SINH HOẠT CHUYÊN MÔN DỰA TRÊN NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
Lượt xem:
Sinh hoạt chuyên môn là hoạt động không thể thiếu trong nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng GDĐT Trà Bồng, Trường TH Trà Xuân đã chỉ đạo cho các tổ CM Công văn số 191/GDĐT ngày 08/5/2020 của Phòng GDĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Theo đó, từ năm học 2020 – 2021 cách thức sinh hoạt chuyên môn sẽ có một số thay đổi, sinh hoạt theo nghiên cứu bài học. Cụ thể nội dung SHCM từ năm học 2020-2021 được thực hiện như sau:
- Tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018
– Vào đầu năm học, tổ trưởng chuyên môn giao nhiệm vụ cho giáo viên nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học), đề xuất nội dung cần thảo luận trong năm học,trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệtthực hiện.
– Thành viên trong tổ chuyên môn tìm hiểu, nghiên cứu các nội dung theo kế hoạch; chia sẻ, trao đổi, thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn.
- Xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục
Căn cứ vào chương trình môn học/hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của nhà trường, sách giáo khoa và tài liệu dạy học có liên quan, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chương trình môn học/hoạt động giáo dục theo tuần, học kì trong năm học. Tổ trưởng chuyên môn trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt thực hiện.
- Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học
Bước 1. Xây dựng bài học minh họa
– Tổ chuyên môn thảo luận, thống nhất lựa chọn bài học minh họa căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn. Việc lựa chọn giáo viên dạy học minh họa cần đảm bảo các giáo viên trong tổ chuyên môn đều lần lượt tham gia. Khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng kí dạy học minh họa.
– Giáo viên dạy học minh họa nghiên cứu chương trình môn học, kế hoạch dạy học môn học, sách giáo khoa và tài liệu dạy học liên quan, phối hợp với các giáo viên khác trong tổ chuyên môn để xây dựng bài học minh họa. Việc xây dựng bài học minh họa cần đảm bảo xác định rõ yêu cầu cần đạt của bài học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học, giáo viên có thể chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kĩ thuật dạy học, đánh giá quá trình học tập của học sinh,… cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học, phù hợp với việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Lưu ý, không tổ chức dạy trước bài học minh họa.
Bước 2. Tổ chức dạy học minh họa và dự giờ
Trên cơ sở bài học minh họa đã được xây dựng, giáo viên thực hiện dạy học để tổ chuyên môn dự giờ, phân tích bài học. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh kết hợp với việc quan sát hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giáo viên theo các yêu cầu sau:
– Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
– Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị “bỏ quên”.
– Trình bày kết quả và thảo luận: hình thức trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung học tập và kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lí những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lí.
– Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến trao đổi, thảo luận của học sinh nhằm giúp học sinh có hứng thú, niềm tin trong học tập, cải thiện được kết quả học tập; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.
Trong quá trình tổ chức dạy học và dự giờ, khuyến khích giáo viên dự giờ quan sát, ghi chép kết hợp với ghi hình hoạt động học của học sinh để sử dụng khi phân tích bài học, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh.
Bước 3. Phân tích bài học
Toàn trường hoặc tổ chuyên môn tổ chức trao đổi, chia sẻ, tập trung vào các nội dung:
+ Hoạt động học của học sinh: khả năng tiếp nhận và mức độ “sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp; sự tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; sự tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả, sản phẩm học tập; sự chính xác, phù hợp của kết quả, sản phẩm học tập; thái độ và cảm xúc của học sinh trong từng hoạt động.
+ Tổ chức hoạt động học cho học sinh: cách thức chuyển giao nhiệm vụ học tập; cách quan sát, theo dõi, phát hiện những khó khăn của học sinh; biện pháp hỗ trợ, khuyến khích học sinh tự học, hợp tác; việc phân tích, nhận xét kết quả hoạt động, quá trình học tập của học sinh.
+ Một số nguyên nhân tác động đến hoạt động học của học sinh: kế hoạch bài học (yêu cầu cần đạt, đồ dùng dạy học, các hoạt động học,…); sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; tâm lí, sinh lí học sinh; không khí lớp học,…
Bước 4. Vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày
Dựa trên kết quả phân tích bài học và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, các giáo viên chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày.